Xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả là một bài toán mà không phải ai cũng dễ dàng giải được. Ta không được phổ cập về nó tại trường học, nhưng ra đường đời ta lại đương đầu với nó!

“Biết người biết ta, trăm trận không nguy”, nhưng trong hành trình chiêm nghiệm về cuộc sống, ta lại tập trung vào “biết người” mà bỏ lỡ “biết ta”. Sau vài năm làm việc với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, Easy nhận ra, nhà đầu tư có tỉ lệ chiến thắng cao là người biết rõ mình sẽ thắng, nhà đầu tư có tỉ lệ thua cao là người vừa đánh vừa tưởng tượng chiến thắng. Nhưng tâm lý đám đông lại thích nghe câu chuyện thành công của kiểu người thứ 2.

Hơn hai năm sau cơn sóng thần Covid-19, thì ta mới nhận ra ai đang “mặc quần”, tầm quan trọng của một kế hoạch tài chính cá nhân là điều không cần phải bàn cãi.

Kế hoạch tài chính cá nhân là gì?

Kế hoạch tài chính cá nhân nói một cách đơn giản là gì? Nói đơn giản thì là cách tiếp cận có tổ chức lâu dài đối với tiền của bạn. Nó là một bức tranh toàn diện về tình hình tài chính hiện tại của bạn, các mục tiêu tài chính và bất kỳ chiến lược nào bạn đặt ra để đạt được những mục tiêu đó.
Một kế hoạch tài chính tốt sẽ bao gồm chi tiết về dòng tiền, tiết kiệm, nợ, đầu tư, bảo hiểm và những cột mốc quan trọng mà bạn sẽ đạt được trong hành trình tài chính của mình.

Xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân để làm gì?

Xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân là một quá trình liên tục xem xét toàn bộ tình hình tài chính của bản thân để tạo ra các chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn. Lập một kế hoạch tài chính rất quan trọng vì nó cho phép bạn tận dụng tối đa tài sản của mình và mang lại cho bạn sự tự tin để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

6 buoc xay dung ke hoach tai chinh ca nhan

Việc xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân không chỉ cho phép bạn kiểm soát tình hình tài chính của mình mà còn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn và gia đình mình. Sau đây Easy sẽ chia sẻ 6 bước để bạn có thể xây dựng được kế hoạch tài chính cá nhân thật hiệu quả và chuyên nghiệp!

6 bước xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân

Easy biết có rất nhiều cách để bạn tự lập một kế hoạch tài chính cho riêng mình, nhưng lộ trình 6 bước mà bạn chuẩn bị đọc sau đây sẽ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian và công sức đấy.

Bước 1: Xác định tình hình tài chính hiện tại của bạn

Liệt kê tổng tài sản và nợ: Tài sản là những thứ bạn sở hữu có giá trị, nợ phải trả là tổng giá trị của những thứ bạn nợ.

EasyFinteach ADsBanner 2
  • Tài sản bao gồm: Tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt (tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm); Tài sản cá nhân như nhà ở, ô tô; Tài sản đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, tiền mã hóa,…
  • Nợ phải trả bao gồm: các hóa đơn và khoản nợ hiện tại như khoản vay mua ô tô, khoản vay mua nhà, nợ thẻ tín dụng hoặc khoản vay tín chấp.

Tính giá trị ròng (Net Worth) của bạn = (Tổng tài sản) – (Tổng nợ phải trả). Giá trị ròng hiện tại của bạn đại diện cho điểm khởi đầu cho kế hoạch tài chính cá nhân. Giá trị ròng dương có nghĩa là bạn có nhiều tài sản hơn nợ phải trả, giá trị ròng âm là ngược lại.

Theo dõi thu nhập và chi tiêu của bạn: Làm như vậy sẽ giúp bạn nghiên cứu kỹ hơn cách bạn tiêu tiền hiện tại – những thói quen đã dẫn đến giá trị tài sản ròng hiện tại của bạn.

theo doi thu chi

Bước 2: Thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân

Đặt mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn: Các mục tiêu cá nhân là yếu tố cấu thành một kế hoạch tài chính cá nhân. Hãy cân nhắc xem bạn muốn lối sống của mình như thế nào trong hiện tại, tương lai gần và tương lai xa, sau đó lập ra một bản phác thảo các mục tiêu đủ toàn diện để bao quát mọi khía cạnh của cuộc sống. Các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của bạn được xây dựng dựa trên nhau – ví dụ: tiết kiệm 5 triệu đồng một tháng để mua nhà có thể dẫn đến mục tiêu dài hạn của bạn là mua nhà.

Thiết lập mục tiêu bằng mô hình “SMART”: Đảm bảo rằng các mục tiêu của bạn cụ thể , đo lường được , khả thi, có tính liên kết và mốc thời gian cụ thể . Làm như vậy sẽ đảm bảo mục tiêu của bạn có thể vượt qua viễn cảnh “giấc mơ” và trở thành hiện thực.

mo hinh smart

Tư duy và quan điểm tài chính của bạn: Bạn cảm thấy thế nào về tiền bạc và tại sao? Tại sao tiền lại quan trọng với bạn? Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn hình thành các mục tiêu tài chính của mình. Ví dụ, bạn có thể thấy rằng tiền rất quan trọng đối với bạn vì bạn muốn có thời gian và nguồn lực để theo đuổi ước mơ thiện nguyện. Biết điều này về bản thân sẽ giúp bạn phát triển và ưu tiên các mục tiêu của mình.

Trao đổi với những người đồng hành: Nếu bạn có bạn đời hoặc gia đình, hãy biến kế hoạch tài chính cá nhân của bạn thành kế hoạch tài chính gia đình. Làm như vậy sẽ đảm bảo rằng mọi người đều chia sẻ các giá trị và mục tiêu của mình với nhau cũng như đưa ra các quyết định tài chính hợp lý. Bạn sẽ thấy rằng các ưu tiên của chúng ta có thể sẽ khác nhau. Nhưng các cuộc thảo luận hiệu quả sẽ giúp cả hai bạn cảm thấy thoải mái với tương lai tài chính của mình.

Đọc thêm: 7 bước để vấn đề tài chính cho cặp đôi không còn là điều khó nói

Bước 3: Xác định phương án để đạt được mục tiêu

Nghiên cứu các phương án khả thi để đạt được mục tiêu tài chính cá nhân: Phương án tiến tới mục tiêu của bạn sẽ có 2 góc nhìn: sử dụng các nguồn lực hiện có theo những cách mới hoặc tạo thu nhập mới. Với mỗi mục tiêu, hãy cân nhắc xem bạn có nên: tiếp tục, mở rộng hay thay đổi.

phuong an thuc hien ke hoach tai chinh ca nhan

Xác định xem một mục tiêu có tác động đến mục tiêu khác hay không: Ngoài việc xác định các phương án trong mục tiêu tài chính của mình, bạn nên xem xét các mục tiêu của mình tương tác với nhau như thế nào. Ví dụ, bạn có thể coi việc đi du lịch là một mục tiêu “lối sống”, nhưng sau khi cân nhắc cẩn thận, bạn nhận ra rằng việc theo đuổi mục tiêu học tập là học ngoại ngữ sẽ giúp bạn đi du lịch với chi phí rẻ hơn – hoặc thậm chí theo đuổi nghề phiên dịch hoặc cơ hội làm việc ở nước ngoài.

Bước 4: Đánh giá các phương án trên

Chọn phương án để hoàn thành kế hoạch tài chính cá nhân: Hãy tính đến hoàn cảnh sống, giá trị bản thân và điều kiện kinh tế hiện tại của mình. Hãy cân nhắc xem bạn cảm thấy thế nào về vị thế tài chính hiện tại của mình so với vị thế mà các mục tiêu sẽ đưa bạn đến.

So sánh bằng chi phí cơ hội: Chi phí cơ hội là những gì bạn phải từ bỏ khi đưa ra lựa chọn. Tiết kiệm cho chuyến đi du lịch bằng cách từ bỏ việc lê la quán cà phê tương đương việc hy sinh các mối quan hệ với những người bạn ở đó.

Nghiên cứu các phương án thật cẩn thận: Hãy trau dồi kiến thức, nghiên cứu học thuật về các phương án bạn sẽ lựa chọn và đánh giá cẩn thận dữ liệu của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang xem xét một cơ hội đầu tư, bạn nên đặc biệt chú ý đến tỉ lệ giữa rủi ro và lợi nhuận – khoản đầu tư đó rủi ro như thế nào và bạn sẽ nhận được bao nhiêu lợi nhuận nếu nó thành công? Có xứng đáng với rủi ro không? Hoặc bạn có thể tìm những nơi uy tín như EasyFinteach sẽ cung cấp cho bạn khóa học Khai phóng tư duy tài chính 3 – Để đổi đời với cổ phiếu tăng trưởng

Sự không chắc chắn sẽ luôn hiện diện: Ngay cả khi bạn đã hoàn thành nghiên cứu của mình một cách cẩn thận, các thông số về tình huống của bạn vẫn có thể thay đổi. Nền kinh tế có thể suy thoái, làm tăng rủi ro của khoản đầu tư. Công việc mới mà bạn chọn theo đuổi có thể khiến bạn không hài lòng. Hãy cố gắng hết sức và nhớ rằng bạn vẫn có khả năng điều chỉnh các quyết định của mình sau này.

Bước 5: Xây dựng và thực hiện dựa trên dữ liệu vừa thu thập

Hành động kỷ luật với góc nhìn khách quan: Bây giờ bạn đã phát họa được các mục tiêu, xác định và đánh giá các phương án, cũng như tạo danh sách các chiến lược, hãy bắt đầu với mục tiêu dễ dàng nhất. Mặc dù bạn có thể chọn tập trung vào phát triển tài sản ròng của mình nhưng đừng quên rằng việc trả hết nợ có thể là một khoản đầu tư khôn ngoan. Lãi suất của những khoản nợ nhỏ cũng có thể trở nên quá tải theo thời gian. Phân bổ một số nguồn lực để giảm nợ bây giờ có thể hạn chế những vấn đề không đáng có.

ki luat

Thuê cố vấn tài chính chuyên nghiệp: Bạn hoàn toàn có khả năng đưa ra các quyết định tài chính, nhưng một cố vấn chuyên tài chính nghiệp đem lại lợi thế là tách biệt cảm xúc khỏi tình hình tài chính của bạn. Họ có thể sẽ giúp bạn tránh việc đi lệch khỏi quỹ đạo kế hoạch, miễn là bạn tìm đúng người!

Bước 6: Xem xét và sửa đổi kế hoạch tài chính cá nhân

Hãy coi kế hoạch tài chính cá nhân như một công việc: Lập kế hoạch tài chính cá nhân là một quá trình. Cuộc sống thay đổi và bạn sẽ cần cập nhật kế hoạch của mình theo thời gian khi hoàn cảnh và mục tiêu của bạn thay đổi.

Lên kế hoạch xem xét các mục tiêu tài chính của bạn thường xuyên: Nếu bạn nhận thấy hoàn cảnh cuộc sống của mình thay đổi nhanh chóng, bạn có thể xem lại các mục tiêu này 6 tháng một lần. Nếu cuộc sống của bạn có xu hướng ổn định hơn bạn có thể lên kế hoạch đánh giá hàng năm.


Xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân có thể giúp bạn cảm thấy tự tin hơn trong việc đương đầu với những rủi ro – chẳng hạn như suy thoái kinh tế hoặc Covid-19 . Theo Khảo sát về sự giàu có hiện đại năm 2023 của Charles Schwab, những người có kế hoạch tài chính cụ thể bằng văn bản sẽ kiểm soát tài chính của mình tốt hơn so với những người không có kế hoạch.

Khi các nhu cầu cơ bản và mục tiêu ngắn hạn của bạn đã được giải quyết bạn sẽ dễ dàng tiếp cận những mục tiêu lớn hơn. Easy mong rằng sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ có một kế hoạch tài chính cá nhân vững vàng để đảm bảo rằng sự giàu có sẽ được truyền lại cho những người thân yêu của bạn.

Có 2 bình luận

  1. Pingback: 3 Sự Kiện Tạo Nên Sự Khác Biệt Quan điểm Về Tiền Bạc Giữa Các Thế Hệ - EasyFinteach

  2. Pingback: 5 Bước để Trở Thành Phụ Nữ độc Lập Tài Chính - EasyFinteach

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *