Nhận diện 5 sai lầm khi dạy con về tiền

Nhận diện 5 sai lầm khi dạy con về tiền

Bạn nhớ xem mình đã được dạy tài chính như thế nào? Chứ khi Easy ở nhà với ba mẹ thì gần như không được dạy gì nhiều. Từ nhỏ đến lớn cũng rất ít khi tiếp xúc với tiền bạc.

Easy nhớ là mình chỉ có cầm tiền từ nhà ra chợ mua 1 mớ rau hoặc cầm tiền đi mua đồ ăn sáng, đi đóng học. Tiền mừng tuổi thì cũng đưa cho mẹ, muốn mua gì thì mẹ mua cho. Easy không hề có khái niệm đắt rẻ, tiết kiệm hay cho đi. Chắc trình độ của Easy khi ấy về tài chính tương đương con gái 5 tuổi của EASY bây giờ, đó là dừng lại ở mức biết nhận mặt tiền. 

Sau này mãi đến khi đi học đại học Easy  mới được đưa 1 khoản để trả tiền nhà trọ, tiền học phí và tiền ăn uống. Ba mẹ cũng chẳng dặn gì nhiều ngoài câu “tiêu tiết kiệm con nhé!” Và tiết kiệm cũng được Easy hiểu rất mơ hồ, chắc là tiêu càng ít càng tốt.

Ở trường đại học dù Easy học chuyên ngành kinh tế cũng được học kinh tế vi mô, vĩ mô, kế toán… nhưng Easy chẳng ứng dụng được nhiều vào cuộc sống. Thực tế hồi đầu Easy đã rất lúng túng trong việc quản lý chi tiêu, ngay cả việc tiết kiệm hay đầu tư đều không làm được. Mãi sau này khi học ở EasyFinteach thì dần dần mọi việc mới trở lên dễ dàng hơn.

Easy nhận ra đa phần những đứa trẻ sinh ra ở độ 8X rồi 9X như Easy rất ít khi được dạy về tiền. Và thế hệ ấy hiện tại đang là ba mẹ. Tất nhiên là chúng ta khác ba mẹ chúng ta ngày xưa. Việc dạy con về tài chính về cách dùng tiền đã tiến bộ hơn rất nhiều. Gần như ai cũng ý thức đến việc phải dạy con dùng tiền là việc quan trọng.

Nhưng dạy con như thế nào? Dạy sao cho đúng? không phải ai cũng làm được. Qua 1 thời gian trao đổi với nhiều ba mẹ, Easy nhận ra có một số sai lầm khi dạy con về tiền. Nếu không biết khắc phục sẽ để lại cho con những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy bạn hãy cùng điểm lại cùng Easy để thực hành tốt hơn việc dạy con nhé!

Cho rằng con quá nhỏ để hiểu về tiền

Đây là suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh khi nghĩ đến việc dạy con về tiền. Thậm chí ở nhiều gia đình, tiền bạc còn là vấn đề nhạy cảm và bị lảng tránh đưa ra trong các cuộc trò chuyện. Vì ba mẹ cho rằng con còn bé nếu dạy con về tiền hoặc nói nhiều về tiền sẽ dễ làm cho con có suy nghĩ lệch lạc, trở lên tham lam hoặc ham vật chất. Với nhiều ba mẹ còn cho rằng con quá nhỏ để hiểu dạy cũng vô ích.

Vậy con của bạn đang mấy tuổi?  Bạn định đến khi nào mới dạy con dùng tiền? Và khi bạn nói về tiền câu chuyện của bạn là gì để con có những suy nghĩ tiêu cực như vậy?

Nếu bạn để cho con 15, 16 tuổi mới dạy dùng tiền là muộn vì khi ấy con đang ở lứa tuổi hình thành cá tính riêng không dễ dàng nghe lời. Thêm nữa dù bạn không dạy thì con đã tiếp xúc với tiền từ trước đấy rất lâu, những thói quen xấu không dễ bỏ. Việc lảng tránh nói về tiền bạc càng làm con không có kiến thức, kỹ năng về việc dùng tiền. Vì vậy thay về việc tránh nói về tiền, hãy nói về tiền một cách tích cực để trẻ có cái nhìn trân trọng về tiền bạc.

Theo quan điểm cá nhân của Easy khi bé bắt đầu nhận thức được rõ ràng mọi việc là có thể dạy con về tiền. Ở EasyFinteach khuyến khích dạy trẻ về tài chính từ tuổi lên 3. Thời điểm này cũng là thời điểm vàng để trẻ ghi nhận thông tin để hình thành tư duy. Vì vậy nếu con bạn từ 3 tuổi trở lên bạn hoàn toàn có thể dạy con về tiền. Đương nhiên là dạy nội dung phù hợp với lứa tuổi của con chỉ như cho con cầm nắm và phần biệt các loại tiền, cho con hiểu phải đưa tiền để đổi lấy bánh kẹo, cho con 1 con heo đất để bỏ tiền mừng tuổi…

Nếu bạn cho rằng con quá nhỏ, có dạy con cũng chẳng hiểu gì thì đấy là do bạn thiếu tin tưởng bé thôi. Thực tế con giỏi hơn sự tưởng tượng của ba mẹ đấy. Dạy từ sớm bạn cũng sẽ dễ điều chỉnh hành vi sai của con, có cơ hội cho con làm sai và sửa sai từ sớm.

Vì vậy hãy tự tin dạy bé dùng tiền từ sớm. Quan trọng là bạn dạy những nội dung phù hợp lứa tuổi, nói những câu chuyện tốt để bé hình thành tư duy đúng.

Dạy con về tiền nhưng không dạy con tình yêu thương và trách nhiệm

Trước đây cạnh nhà Easy là 1 tiệm tạp hoá lớn, bạn con của chủ tiệm tạp hoá mới 7-8t thôi nhưng tính nhẩm rất nhanh. Mua đồ gì chỉ 1 lát là bạn ấy đã tính xong, thu tiền rồi trả tiền thừa thoăn thoắt. Có lần Easy tấm tắc khen bạn ấy. Nhưng mẹ bạn ấy chỉ thở dài vì bạn ấy quen việc do nhà bán hàng từ nhỏ xíu nhưng ích kỷ và chỉ thích tiền, nhiều khi mẹ cũng lo là lớn lên bạn ấy ham vật chất quá.

Chuyện này dễ gặp ở những bạn gia đình buôn bán vì các bạn được tiếp xúc sớm với tiền. Tuy nhiên không phải cứ biết giá trị của tiền là tham lam. Đa phần trẻ có suy nghĩ đấy là do chưa được cảm nhận nhiều về tình yêu thương về trách nhiệm.

Tiền có thể mang lại cho bạn sự thoải mái nhưng nó chỉ là phương tiện. Nếu chỉ biết đến tiền bạn sẽ không có được hạnh phúc thực sự. Ví dụ như vì mải kiếm tiền mà làm mất đi các mối quan hệ đang trân trọng, không có thời gian để ngắm nhìn cuộc sống, được giải trí và yêu thương…

Chỉ biết đến tiền cũng sẽ làm cho nhân sinh quan trở nên méo mó, không biết trân trọng những giá trị đích thực như tình yêu, sự sẻ chia, lòng trắc ẩn, sự quan tâm…

Con người chỉ biết đến tiền khác gì cái máy ATM, không tình yêu, không rung cảm.

Chắc chắn chẳng ai muốn con cái mình trở thành như thế đúng không nào.

Vì vậy khi dạy con về tiền bạn có thể áp dụng nguyên tắc 6 chiếc lọ hoặc một số phương pháp mà EasyFinteach đã chia sẻ trong khóa học dạy con tư duy tài chính để bé biết cân đối giữa tiêu xài và cho đi.

Bạn có thể cho bé tham gia các hoạt động thiện nguyện tại bệnh viện, nhà chùa hoặc các trại trẻ mồ côi. Khi được trực tiếp tham gia giúp đỡ những hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn tự bé sẽ thấy cảm động và yêu thương, bé cũng sẽ biết trân trọng hơn cuộc sống mình đang có.

Ngoài ra, ba mẹ cũng nên làm gương cho trẻ trong việc chia sẻ khó khăn với hàng xóm, người thân, bạn bè hoặc những người không may mắn. 

Tất cả điều đó để giúp bé cảm nhận được “hạnh phúc là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Vì vậy tiền không chỉ là để phục vụ cho chính bản thân mà còn góp phần vào việc chia sẻ với cộng đồng.

Cho con học tài chính nhưng chưa đồng hành đúng cách

Hè năm 2023 EasyFinteach có mở 1 lớp học “Tài chính trẻ em” dành cho các bé lứa tuổi tiểu học và THCS. Tuy nhiên lớp có giới hạn số lượng và có phỏng vấn đầu vào. Mục đích của việc đó là đánh giá năng lực tổng quan của các bé để xây dựng giáo trình phù hợp thêm nữa là đánh giá phụ huynh trong việc đồng hành cùng con cái.

Một khoá học kéo dài trong 3 tháng hè với rất nhiều kiến thức bổ ích. Sau khoá học đó các con hiểu được nhiều khái niệm về tài chính như đầu tư, lạm phát, lãi vay. Biết cách vận hành của nền kinh tế cũng như được làm một số bài tập nhóm về các chủ đề thú vị.

Tuy nhiên tất cả vẫn là không đủ nếu sau đó ba mẹ không cùng con thực hành và duy trì. Tư duy tài chính của trẻ được gieo mầm qua lớp học, mọc thành 1 cái cây con nhỏ xinh và chính ba mẹ cùng con cái sẽ là người chăm sóc cái cây đấy trưởng thành.

Vậy đồng hành như thế nào? Easy chỉ ra một số lỗi sai để ba mẹ tránh khi đồng hành cùng con nhé!

  • Không thống nhất trong việc dạy con tài chính. Quan điểm tiền bạc của mỗi người có thể khác nhau nhưng khi cùng dạy con phải có sự thống nhất. Nếu không nên giao cho 1 người phù hợp là ba hoặc mẹ chịu trách nhiệm chính. Điều đó giúp con nhất quán trong suy nghĩ, tránh hoang mang. Vì trẻ còn bé, nếu có quá nhiều luồng thông tin trái chiều sẽ làm trẻ bị rối và dễ nản.
  • Cho trẻ tiền tiêu vặt quá nhiều hoặc không kiểm soát sổ chi tiêu của trẻ. Việc cho trẻ tiền tiêu vặt là để trẻ thực hành chi tiêu nhưng phải được theo dõi và hỗ trợ thường xuyên. Trẻ còn nhỏ chưa chín chắn trong suy nghĩ dễ tiêu xài hoang phí hoặc mua những vật phẩm độc hại. Tiền tiêu vặt là 1 công cụ dạy con tiêu tiền nên ba mẹ cần hiểu và làm đúng cách.
  • Ba mẹ cho con học tài chính nhưng bản thân mình chưa có nhiều kiến thức về tài chính. Easy thường khuyên ba mẹ rằng không thể giao phó hoàn toàn con cho nhà trường hoặc bất cứ trung tâm, học viện hoặc thầy cô nào. Với việc học tài chính cũng vậy, ba mẹ nên xem nội dung con học hôm nay là gì? Ba mẹ cần làm gì với nội dung đấy cho con thực hành. Riêng với EasyFinteach ba mẹ luôn có Easy, bất cứ nội dung học nào vướng mắc cần làm rõ hoặc chưa biết cách thực hành hiệu quả ba mẹ đều có thể liên hệ Easy hỗ trợ ba mẹ.
  • Không làm gương cho con cái: Ba mẹ dạy con phải tiết kiệm nhưng bản thân ba mẹ không thực hành tiết kiệm. Dạy con chia sẻ nhưng chính bản thân ba mẹ cũng không chia sẻ. Nếu như vậy chắc chắn việc dạy con sẽ không hiệu quả. Hi vọng bạn tích cực hơn trong việc làm gương cho con cái noi theo vì thời gian định hình tư duy tài chính này vô cùng quan trọng.

Đọc thêm: Hướng nghiệp cho con thông qua giáo dục tài chính cho trẻ em

Không hiểu tính cách của con khi dạy con dùng tiền

Mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng, có sở trường và ưu điểm riêng vì vậy khi dạy con bạn cũng cân nhắc cách dạy sao cho phù hợp. Không nên thấy phương pháp này phương pháp kia được ai đó dạy con họ thành công mà đem áp đặt lên con mình rồi mong một kết quả tương tự. Điều đó sẽ làm bạn thất vọng mà lại gây những áp lực không đáng có lên con cái.

Một đứa trẻ hướng nội có thể thích tiết kiệm hơn là đầu tư mạo hiểm. Một đứa trẻ hướng ngoại có thể thích khởi nghiệp và buôn bán. Một đứa trẻ giàu lòng trắc ẩn thì lại muốn dùng tiền của mình để chia sẻ với mọi người…Vậy nên ba mẹ cần hiểu rõ con mình để định hướng trẻ với tiền bạc cho đúng.

Làm được điều này thì cần phải dành thời gian nói chuyện cùng trẻ, quan sát cách trẻ hành động và đưa ra lời khuyên phù hợp. Vì vậy chỉ có chính bạn mới biết phương pháp nào sẽ rèn con về tài chính tốt nhất, việc gì con có thể tự làm và làm tốt việc gì con cần ba mẹ hỗ trợ thêm…

Easy hi vọng bạn và con cái sẽ hiểu nhau hơn để viêc dạy con về tiền thêm hiệu quả. Sự thấu hiểu con cái còn góp vai trò quan trọng trong việc rèn luyện và phát triển bé toàn diện trong tương lai.

Cho con tiền khi con làm việc nhà

Mình thấy việc ba mẹ cho con tiền khi con làm việc nhà là việc khá phổ biến. Ngay cả bản thân Easy hồi đầu cũng vậy. Khi con gái Easy lần đầu biết rửa bát quét nhà Easy cũng thưởng một khoản tiền nhỏ để khuyến khích bé. Nhưng dần dà Easy nhận thấy bé chỉ thích làm khi được cho tiền và sẽ rất ngại hoặc thái độ không vui với những việc dược ba mẹ nhờ làm không có tiền.

Dù có chút lấn cấn trong lòng nhưng đến khi học “Dạy con tư duy tài chính” của EasyFinteach Easy mới nhận ra là mình sai và cần sửa như thế nào.

Thực ra cho con một chút tiền nhỏ để khuyến khích con khi con biết làm việc nhà thì không sai. Vì việc này có thể cổ vũ tinh thần cho bé. Nhưng duy trì lâu dài thì là sai. Vì bé sẽ có suy nghĩ đánh đổi. làm để được tiền. Để tránh lỗi sai này như trong khoá học thầy hướng dẫn thì ba mẹ cần gỉai thích cho con hiểu các công việc trong gia đình là việc chung. Mỗi người trong gia đình đều góp môt phần công sức để hoàn thành việc nhà cho phù hợp với lứa tuổi của mình. Ba mẹ kiếm tiền nuôi dạy con cái, cho con tiền tiêu vặt. Con cái làm việc nhà phụ giúp ba mẹ. Đấy là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.

Nhìn chung Easy áp dụng theo cách làm thầy hướng dẫn thì con cũng đã chuyển biến tích cực hơn. Bạn nào đang cho con tiền khi làm việc nhà có thể tham khảo thêm cách làm trên nhé.

Ai cũng yêu thương con và mong cho con những điều tốt đẹp nhất. Nhưng đứa trẻ nào cũng phải lớn lên và học cách đối diện với vấn đề của mình. Tài chính là 1 trong số đó, thậm chí còn là vấn đề rất qua trọng. Vì vậy ngay khi còn có thể hãy dạy cho con tư duy tài chính đúng đắn. Easy hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn tránh được những lỗi sai khi dạy con tài chính. Giúp con thêm vững vàng hơn trong tương lai.

Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì hoặc muốn chia sẻ với Easy về cách dạy con của mình hãy để lại bình luận nhé!

Bài viết tương tự

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *